Càng bị báng bổ càng tin điềm báo “Mặt Trời Lạ Nơi Xóm Đạo” - Dân Làm Báo

Càng bị báng bổ càng tin điềm báo “Mặt Trời Lạ Nơi Xóm Đạo”



Nguyễn Thị Thanh Bình (Danlambao) - Phải rồi, họ càng dở trò báng bổ tôn giáo và công xúc tu sĩ, chúng ta lại càng phải củng cố nuôi dưỡng niềm tin của những giáo dân công giáo, đã kết nối từ giáo phận này đến giáo phận nọ. Để gióng lên tiếng chuông cho ngày phán xét cuối cùng những kẻ ác đã gần kề. Khi bóng tối của chế độ chuyên chế u mê Cộng Sản đang phủ chụp khắp nơi trên mọi miền đất nước, có lẽ chưa bao giờ chúng ta thấy được hình ảnh chan chứa ánh sáng của “Mặt Trời Lạ Nơi Xóm Đạo” xuất hiện đẹp lấp lánh như thế. Thảo nào người bạn trẻ tuổi xinh đẹp nơi tôi ở là Emily Page-Le cũng phải mủi lòng “lên đường”, để tỏ lòng “ngưỡng mộ dũng khí của LM Nguyễn Đình Thục và Đặng Hữu Nam” (nguyên văn). Quả thật tôi không mong lòng bạn sẽ dịu lại khi nghe tiếng hát Hoàng Anh Thư xoáy mạnh ca khúc này. Trái lại là đằng khác. Để khi biết xúc cảm phẫn nộ là lúc chúng ta không thể không đứng lên, cùng nắm tay nhau làm thành “từng vòng tròn, từng lan tỏa, từng người xa”. Nhất là qua dòng nhạc đã thể hiện hết mình từng giai đoạn thăng trầm lịch sử dân tộc của nhạc sĩ điêu luyện tài tình Vĩnh Điện.

Và bây giờ khi nhạc phẩm vừa được trình làng, với những ca từ lồng trong tiết tấu âm nhạc “rock”, tôi vẫn nghĩ chỉ là cái cớ, một thể hiện nhỏ nhoi mà mình có thể làm được lúc này để gởi gấm cho xã hội ít nhiều dấu hỏi và trăn trở. Để làm gì ư? Dường như lắm lúc tôi cũng chẳng biết để làm gì nữa, khi thi sĩ làm thơ, nhạc sĩ viết nhạc và ca sĩ tìm cách chuyển tải cũng chẳng phải là để đối đầu với ai, vì cũng chả đối đầu nổi với những cái đầu đã quá giáo điều thủ cục mà lại đang giữ trong tay quyền chao đảo vận mệnh đau thương của cả một dân tộc.

Vâng, cũng chỉ là cái cớ cho tôi được dịp dàn trải những điều hơn thế nữa.

Có Một Thời Rực Rỡ… Ma Trơi

Thật nực cười khi bọn họ ăn rồi cứ nao lòng… huênh hoang có một thời rực rỡ huy hoàng mà con dân mình đang được hưởng thụ sống.

Có thật như thế không, sao chừng như chúng ta vừa có tất cả, mà chỉ sau 42 năm đã mất sạch sành sanh.

Nói thật, nghe lãnh đạo nhà sản tuyên bố thời rực rỡ dẻo như kẹo kéo, mà chỉ muốn kéo cổ họ xuống để cùng nhau đòi lại tất cả cho bằng được.

Có một thời rực rỡ, như những đốm sáng ma trơi thì có. Nơi mà người sống mất nhà mất đất phải thi nhau thất thểu tìm về những nghĩa trang buồn, những cổ mộ hoang để kiếm một chỗ nằm chỗ ngủ. Nơi chúng ta đã hơn một lần muốn khóc, khi bắt gặp những đốm mắt ma trơi trong những con người đồng bào mình không còn được sống như con người.

Có một thời “rực rỡ” như thế thật sao. Khi mà mọi đức tin, tín ngưỡng tôn giáo đều bị bức hại. Khi những lời ca vang vọng vụt sửa lời như tiếng kinh cầu trong Kinh Hòa Bình: “Trời u ám bất công lan tràn.”

À thì ra có một thời kỳ rực rỡ đến nỗi đếch cần phải chuyển đổi, cải cách phát triển bề dọc bề ngang gì ráo, mặc đất nước gấm vóc hình cong chữ S cứ thế teo tóp lại từng ngày. “Rực rỡ” chăng chỉ có dinh cơ mạ vàng chói lòa của những “ngài” Nông Đức Mạnh, hay như tượng vàng “bác” nặng ký của Formosa điếu đóm “Ngài” Tổng Trọng rực tóe mắt ai.

Ngẫm lại không biết hai chữ “rực rỡ” ở đây có đồng nghĩa với câu tuyên bố “dân chủ như chưa bao giờ như thế” của Đảng Trưởng Nguyễn Phú Trọng chăng. 

Ôi “Đảng quang vinh muôn năm”, nên bao lâu nữa Việt Nam mới dấy lên được phong trào Thoát Đảng, hay nói như ông Lê Hồng Hà là “vỡ Đảng”. Nhìn tới nhìn lui đâu đó cũng đã có khá nhiều kiến nghị tâm huyết của những bậc trí thức lão thành cách mạng, tuy nhiên chắc vẫn còn lâu lắm mới có thể làm nổi phong trào nở rộ như 87 triệu dân còn lại hằng mong mỏi. Bởi hầu như chúng ta ai cũng thấm thía câu cảnh báo của Lenin “Không ai tiêu diệt được Cộng Sản, ngoại trừ Cộng Sản.

Khó lòng tạo được lực lượng, vì chừng như đâu có mấy vị dũng cảm ly khai Đảng mà hòng bàn chuyện nước rực rỡ hay tối om như mực tàu. Phải rồi, ai mà chẳng bi bô được: “đất nước khỏe ru mà, có chi mô”. Sơ sơ mới đây chỉ hơn 100 dân đen bị mất mạng và cuốn trôi trong mưa lũ ở phía Bắc, can chi tới chuyện cấp trên cho phá rừng bán rừng hay trời giận làm mưa lũ mà đi qui trách nhiệm cho lãnh đạo cao cấp “đỉnh cao trí tệ” không biết bảo bọc dân là gì. Có ai biết nhận lỗi, thừa hưởng chút văn hóa ăn năn hối lỗi, xin lỗi để lo lắng đền bù cho số phận không may của dân mình chưa. Nói chi đến số phận mở cửa đón giặc… đồng chí đồng rận vào “chơi” ngang nhiên trên đất nước… ta!

Đúng là rực rỡ như những đốm ma trơi vật vờ trong đêm! Lẽ nào chỉ vì đất nước không chỉ của riêng ai, nên chẳng có ai thấy mình cần phải có trách nhiệm, nếu không muốn nói là cứ giỏi ùn cho kẻ khác chăng. 

Đâu Rồi Những Khí Thế?

Có một điều chúng ta không phải là Chúa Giê Su để cầu xin Đức Chúa Cha tha thứ cho bọn vô thần, vì “họ không biết việc họ đang làm.” Và chỉ có Chúa mới có đủ từ tâm bác ái, để loài người nhẫn tâm và ngu xuẩn “phản” Chúa bên má này, lại chìa thêm má bên kia. Chúng ta là những kẻ hèn mọn, và phải thú nhận một điều là chưa bao giờ chúng ta có thể hèn mọn đến bạc nhược như hôm nay.

Ca khúc này khi không có mặt đúng vào thời điểm nhiều phần ban Tuyên Giáo bật đèn xanh cho lũ dưới trướng “Fame Bar and Lounge” dàn dựng kịch bản báng bổ Đạo Công Giáo và những tu sĩ. Không lạ gì khi chủ quán là một tên công an có chút máu mặt.

Chỉ hơi lạ là gần hai tuần nay, không một con chiên nào dám đứng lên phát động một chiến dịch hay đưa ra một tuyên bố có ý nghĩa nào đó, trước những bủa vây áp bức phi lý và càng ngày càng vênh váo, ra tay răn đe của nhà cầm quyền này. Dù sao chỉ dấu từ đầu năm đến bây giờ đã có 30 tù nhân lương tâm, đa số không thuộc diện có tên tuổi bị mang đi “nhập kho” … song sắt vẫn nói lên được sự hoảng loạn của một thể chế độc tài đang đến ngày phán xét cuối cùng!

Ca khúc này không dám làm công việc của những dự phóng cho điềm báo xuất hiện vầng mặt trời lạ, để xua tan bóng tối vây phủ ngập tràn trên quê hương.

Tuy vậy không ít thì nhiều cũng đã được gợi hứng từ những hình ảnh can trường của linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục. Đặc biệt là cách hành xử cao cả hy sinh của những vị khoác áo dòng tu này.

Họ càng mở ra những chiêu trò nhằm khủng bố tinh thần của các vị chủ chiên này, như những quy chụp ác ôn của một số đám đông biểu tình trá hình hoặc dám mở miệng đòi tử hình mấy cha, là những vị thánh tử đạo luôn sẵn sàng chết cho sự thật, công lý, niềm tin công giáo và đấu tranh đời quyền sống cho giáo dân với thảm họa quốc gia Formosa. Thì hơn bao giờ hết, chính câu nhạc “Con vẫn cầu cho người vu cáo con” đã làm chúng ta cay mắt, cũng như chính ngài Anton Đặng Hữu Nam đã vì đức bác ái phụng sự cho tha nhân, đã yêu cầu giáo dân Phú Yên cứ tỏ ra những cử chỉ đẹp như tiếp tế giải khát cho đoàn người biểu tình vì họ dám thực thi quyền biểu tình, dù đã có lúc họ chỉ được thuê đến đó để giăng biểu ngữ, hò hét đấu tố cha.

Dù sao chúng ta cũng chỉ ví như phận con cái giáo dân, và vì thế thật khó để hiểu được những nỗi khổ tâm của lệnh bề trên ban xuống từ những Hội Đồng Giám Mục.

Ca khúc này xin được viết tặng những vị linh mục đã luôn xả thân phụng hiến cho đời vì chính nghĩa, cũng như không chỉ rao giảng lời Chúa dạy để thánh hóa con người.



22/10/2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo